Sự thật về BKAV
Báo chí nói về BKAV

Thành viên HĐQT “tố” một người đại diện của hai pháp nhân

Lình xình tại Cty CP truyền thông VMG Việt Nam

(PL&XH) - Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Nam thừa nhận, có là giám đốc 2 pháp nhân. Ông Nam cho hay, thời điểm thành lập Cty Bkav và Cty VMG, luật chưa quy định vấn đề này

Ông Trương Anh Tuấn, trú tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội, thành viên mới của HĐQT- Cty CP truyền thông VMG Việt Nam (VMG), có đơn đến báo PL&XH “tố” ông Lê Thanh Nam trong một thời gian dài là giám đốc của Cty này và Cty TNHH An ninh mạng Bkav (nay là Cty CP Bkav).

Ông Trương Anh Tuấn phản ánh, Cty CP truyền thông VMG Việt Nam được Sở KH&ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động năm 2005, với 3 sáng lập viên gồm: Ông Lê Thanh Nam, ông Phạm Ngọc Linh và bà Phạm Thị Ngọc An; mỗi người sở hữu 33,33% vốn điều lệ. Sau đó, mức vốn điều lệ được nâng lên 6 tỷ đồng, chia đều cho 3 sáng lập viên. Ông Tuấn và bà Hoàng Thị Tố Nga là 2 thành viên mới, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của ông Linh, bà An. Theo đó, ngày 18-9-2012, họ được Cty VMG ghi vào sổ cổ đông của Cty. Đồng thời, Cty VMG cũng hoàn thiện thủ tục thay đổi kinh doanh lần thứ 5. Quá trình tiếp quản, ông Tuấn phát hiện, ông Lê Thanh Nam đồng thời là giám đốc của 2 pháp nhân trong một thời gian dài (vừa là Giám đốc Cty VMG và Cty TNHH An ninh mạng Bkav (Bkav). Như phản ánh của ông Tuấn, vì cùng lúc ông Nam “đóng 2 vai” nên nảy sanh một số vấn đề. Đó là việc, Cty Bkav sử dụng diện tích mà Cty VMG đã thuê. Cụ thể, năm 2008, Cty VMG thuê 758m2, tầng 3 tòa nhà HH1, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội của Cty Contrexim để đóng trụ sở. Thực tế, Cty VMG lại đóng tại tầng 2 tòa nhà này, với diện tích nhỏ hơn rất nhiều. Còn tầng 3 do Cty Bkav sử dụng từ thời điểm nhận mặt bằng thuê đến nay. Trước khi thôi chức Giám đốc Cty VMG, ông Nam đã ký bán 3 chiếc xe ô tô của Cty cho Cty Bkav, với giá 400 triệu đồng mà không thông qua HĐQT. Ngoài ra, ông Tuấn còn cho hay, bị “gây khó” khi họ yêu cầu bàn giao công việc giữa HĐQT cũ với HĐQT mới. Ngày 25-9-2012 (thời điểm này ông Nam chỉ giữ chức Chủ tịch HĐQT Cty VMG; ông Nguyễn Tử Quang là Giám đốc mới của VMG), ông Tuấn đã phải gửi văn bản đề nghị Chủ tịch HĐQT tổ chức họp nhưng bị khước từ. Ngày 1-11-2012, ông Nam mời ông Tuấn, bà Nga đến họp HĐQT. Nhưng khi 2 thành viên mới yêu cầu đưa thêm một số nội dung vào cuộc họp thì ông Nam, ông Quang không nhất trí, bỏ đi.


Theo bảng hướng dẫn phía ngoài tòa nhà HH1 thì Cty VMG nằm ở tầng 2.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Nam thừa nhận, có là giám đốc 2 pháp nhân. Ông Nam cho hay, thời điểm thành lập Cty Bkav và Cty VMG, luật chưa quy định vấn đề này. Khi luật ra đời, ông Nam có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nhưng không nhận được hồi đáp. Vì bận kinh doanh và những lần thay đổi đăng ký kinh doanh không thấy cơ quan có thẩm quyền nhắc nhở gì nên ông Nam vẫn đảm nhiệm vai trò giám đốc của 2 Cty. Vấn đề, Cty Bkav sử dụng tầng 3, còn Cty VMG sử dụng tầng 2 tòa nhà HH1, ông Nam khẳng định, 2 Cty có hợp đồng hợp tác. Ông Trần Quốc Chính, phụ tá của ông Nam thì quả quyết, ông Nam có quyền bán 3 chiếc xe hơi của VMG vì Điều lệ Cty này quy định, giám đốc được quyền tự quyết.

Liên quan đến đơn tố những “lình xình” tại VMG, luật sư Nguyễn Văn Tú, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cho biết, Luật Doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1-7-2006. Khoản 2 Điều 116 Luật này quy định: "Giám đốc hoặc TGĐ Cty không được đồng thời làm giám đốc hoặc TGĐ của doanh nghiệp khác". Ở thời điểm Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, ông Nam là Giám đốc Cty Bkav và Cty VMG. Chỉ đến tháng 9-2012, vị này mới thay thôi chức Giám đốc ở Cty VMG. Chiếu theo luật, ông Nam đã vi phạm về nguyên tắc quản lý kinh tế. Nếu việc vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản cho doanh nghiệp cá nhân hay Nhà nước thì bên bị thiệt hại có thể gởi hồ sơ tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền.

“Thẩm quyền của giám đốc Cty được quy định trong Luật Doanh nghiệp, Điều lệ Cty, quyết định bổ nhiệm giám đốc, các nghị quyết của HĐQT hoặc đại hội cổ đông. Tuy nhiên, xét về khía cạnh quản lý thì không có văn bản nào trao cho giám đốc có toàn quyền tự quyết mọi vấn đề mà không cần thông qua HĐQT của Cty. Tại Điều 20 Điều lệ Cty VMG quy định rất rõ ràng, giám đốc do HĐQT bổ nhiệm, phải chịu trách nhiệm trước HĐQT và phải thực thi các quyết định của HĐQT. Như vậy, giám đốc có thẩm quyền trong những phạm vi nhất định và HĐQT cũng có thẩm quyền của mình; giám đốc không thể thay HĐQT được” – ông Tú nói.

Kết thúc buổi làm việc, ông Nam hứa, trong điều kiện cho phép sẽ cung cấp các tài liệu đã viện dẫn (bản hợp đồng hợp tác giữa Cty VMG, Bkav; hợp đồng thuê mặt bằng của Cty CP Bkav và Điều lệ của Cty VMG). Nhưng đến nay, PV chưa nhận được tài liệu này.

(Pháp Luật & Xã Hội)

Nguồn: http://phapluatxahoi.vn/2012112409222153p1002c1019/thanh-vien-hdqt-to-mot-nguoi-dai-dien-cua-hai-phap-nhan.htm

 

------------

- Báo chí nói về BKAV
- Thế giới nói về BKAV
- Dư luận về BKAV